Sinh ra và lớn lên ở miền Nam Việt Nam, bà Phan trải qua tuổi thơ nhiều vất vả vì cha mẹ mất sớm khi bà mới 5 tuổi. Không còn nguồn nuôi dưỡng, bà Phan chuyển đến ở với bà ngoại trong khi anh trai bà chuyển đến ở với họ hang bên nội. Khi bà ngoại già yếu và không có khả năng chăm sóc, bà Phan tiếp tục chuyển đến sống cùng dì. Bà Phan cho biết bà chỉ học đến lớp 6, sau đó nghỉ học ở nhà phụ dì làm nghề may để trang trải cuộc sống.
Năm 24 tuổi, bà Phan kết hôn với chồng và sau đó sinh được 6 người con (1 trai, 5 gái). Do gia đình nhà chồng bà khá giả và có xưởng xay lúa, làm cưa nên cuộc sống của bà đỡ vất vả hơn. Hàng ngày bà theo chồng ra xưởng làm, thời gian còn lại bà dành chăm sóc mẹ chồng và các con. Cuộc sống của bà trong thời gian này khá bình yên.
Tuy nhiên khi Chính quyền miền Nam sụp đổ và cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc vào năm 1975, gia đình bà Phan chịu sự thay đổi lớn. Các xưởng cưa và xay lúa của gia đình bà bị tịch thu, nhà cửa và các tài sản khác cũng có số phận tương tự. Thấy phong trào vượt biên để đi tìm vùng đất mới đang diễn ra rất mạnh mẽ, bà Phan và chồng bàn nhau đóng tàu để vượt biên. Rất không may là khi vừa ra cửa khẩu biển, tàu của gia đình bà bị cướp, bị giữ trên đảo một tháng. Khi quay lại Việt Nam, gia đình bà bị chính quyền bắt lại vàbị cầm tù. Bà chia sẻ ở tù là quãng thời gian khổ sở và tăm tối nhất của gia đình bà. Cuộc sống trong tù rất vất vả, bà và các con không có đủ thức ăn, luôn phải chịu đói. Bà thì bị ốm đau liên miên. May thay chị dâu bà bên ngoài đã tìm cách làm việc với trại giam và đưa các con bà ra ngoài. Không lâu sau đó bà, chồng bà và con út cũng được thả.
Khi bà trở về lại quê hương, may mắn thay bà tham gia hội phụ nữ và được hỗ trợ xin lại căn nhà bị tịch thu trước đó. Gia đình bà lúc này đã có nhà ở và cuộc sống đỡ vất vả hơn. Một thời gian sau đó, gia đình bà lại tìm đường vượt biên lần hai. Lần này gia đình bà thành công đến được Úc năm 1981 sau một thời gian lênh đênh trên biển và sống ở đảo.
Khi qua Úc, cuộc sống gia đình bà vẫn rất vất vả do chồng bà thường xuyên đau ốm và các con còn nhỏ. Rất may gia đình bà được cộng đồng người Việt ở đây giúp đỡ, đưa các con bà đi học, hỗ trợ đồ ăn, thức uống nên cuộc sống của gia đình bà đỡ vất vả. Tuy nhiên sau khi qua Úc được 13 năm, chồng bà mất vào năm 1994 do sức khỏe không tốt.
Hiện bà Phan đang sống cùng với gia đình người con thứ tư. Các con, cháu bà đều ngoan, chăm lo cho cuộc sống của bà chu đáo. Bà cho biết các cháu và các con cũng hay đưa bà đi chơi. Con gái thường mang đồ ăn ngon đến cho bà. Cháu trai và cháu gái đều rất yêu quý và chăm sóc bà.
Bà Phan rất thích tham gia sinh hoạt cộng đồng. Do được bạn bè giới thiệu, bà Phan đã tham gia Chương trình Chăm sóc Cao niên của Chính phủ Úc và chọn Công ty Chăm sóc Cộng đồng Chung Wah là đơn vị cung cấp dịch vụ. Bà cho biết bà rất thích đến sinh hoạt tại Trung tâm Cộng đồng Balcatta. Bà đặc biệt yêu thích nhân viên của Trung tâm và những người bạn bà gặp tại đây. Bà kể có lần bà ốm cả tháng, rất mệt, không ăn được nhiều, tuy nhiên khi vừa đi sinh hoạt lại tại Trung tâm, nhân viên Chung Wah CC đã ra ôm và nói rất nhớ bà. Lúc đó bà đã bật khóc, bà cảm thấy được an ủi to lớn vì hành động đó. Bà cảm nhận được tình cảm mà nhân viên Chung Wah CC dành cho bà.
Bà cho biết, người già chỉ cần một cái ôm, một câu hỏi thăm, một lời động viên là họ đã cảm thấy ấm lòng, có động lực để sống vui và sống khỏe hơn. Bà mong Chung Wah CC vẫn tiếp tục giữ vững được tinh thần và chất lượng dịch vụ chăm sóc đó để những người cao niên như bà cảm nhận được tình thương, sự an ủi và giúp đỡ mà cộng đồng mang lại.
Ở tuổi 84, mặc dù sức khỏe có giảm và bà Phan gặp khó khăn về đi lại, bà vẫn rất độc lập, cố gắng quản lý cuộc sống của mình một các hợp lý để không làm phiền nhiều đến con cháu và mọi người xung quanh. Hiện bà Phan đang tận hưởng kỷ nguyên vàng của mình với sự giúp đỡ của gia đình, bạn bè, và cộng đồng nơi bà sinh sống.